[Affiliate] 34 thuật ngữ chuyên dùng trong Affiliate Marketing

0
531
Hướng dẫn sử dụng wordpress blog để kiếm tiền online
Hướng dẫn sử dụng wordpress blog để kiếm tiền online
Hướng dẫn sử dụng wordpress blog để kiếm tiền online
Hướng dẫn sử dụng wordpress blog để kiếm tiền online

Khi làm việc với Tiếp thị liên kết, chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành, toàn là tiếng anh và thậm chí là viết tắt. Nếu bạn không tìm hiểu về ý nghĩa của nó, chắc chắn bạn sẽ bị ngắt quãng nội dung khi đọc đến những từ này.

Hãy dành chút thời gian đọc để hiểu và ghi chú lại tất cả 34 thuật ngữ thường dùng trong Affiliate Marketing dưới đây. Chắc chắn nó sẽ đi cùng bạn trong suốt chặng đường làm Tiếp thị liên kết sắp tới.

Publisher

Đây là thuật ngữ được sử dụng nhiều nhất và bạn cũng hay gặp nhất khi làm Tiếp thị liên kết.

Publisher (hay được viết tắt là Pub) ở đây có nghĩa là người tạo ra nội dung, xuất bản nội dung đó lên các kênh tiếp thị như website, social media, email, youtube, … và kéo người dùng về những kênh đó để điều hướng họ tới những sản phẩm phù hợp.

Khi nội dung đó có độ tin tưởng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, họ sẽ click vào link của bạn để mua sản phẩm và bạn nhận được hoa hồng.

Vậy bạn đã hình dung được Publisher là ai rồi chứ, chính là bạn đấy, người đang muốn kiếm tiền từ Affiliate Marketing.

Công việc của Publisher sẽ là tìm kiếm những chương trình Affiliate phù hợp, đăng ký tham gia và quảng bá chiến dịch đó để kiếm tiền.

Advertiser

Advertiser hay còn gọi tắt là Adv. Cũng có thể bạn bắt gặp tên gọn khác là Vender hay Merchant.

Adv là những người/tổ chức/đơn vị có sản phẩm. Họ tạo ra sản phẩm và muốn mang sản phẩm đó đến với cộng đồng các nhà tiếp thị thông qua hình thức Affiliate Marketing. Họ sẽ cần một Affiliate Network và những Publisher phối hợp để quảng bá sản phẩm của họ tới khách hàng tiềm năng.

Cũng có thể Adv không cần thiết phải thông qua Affiliate Network mà họ trực tiếp đảm nhận vai trò đó luôn. Họ có hệ thống affiliate riêng và đội ngũ quản lý vận hành nó mà không phải thông qua một bên thứ 3.

Affiliate Network

Chúng ta có thể hiểu nhanh Affiliate network là mạng lưới liên kết, tức là những công ty trung gian trong lĩnh vực Affiliate Marketing. Cũng có một số nơi gọi là Affiliate Marketplace thay vì network.

Affiliate Network đóng vai trò làm cầu nối giữa Publisher và Advertiser. Họ đưa sản phẩm của Adv lên hệ thống và các pub sẽ vào đó để tìm sản phẩm phù hợp rồi tiến hành quảng bá.

Trong quá trình thanh toán, Affiliate Network sẽ thu tiền của Advertiser, sau đó trả cho Pub. Mỗi Affiliate Network đều có những hệ thống phần mềm riêng hỗ trợ cho công việc này để đảm bảo việc đối soát dữ liệu, truy cập và minh bạch trong thanh toán.

Tại Việt Nam, Accesstrade là một Affiliate Network nổi bật và có lượng Publisher cũng như Advertiser nhiều nhất.

Còn trên thế giới, Commission Junction (CJ.com) đang thống trị ngôi vương. Nếu bạn đã có nhiều kinh nghiệm về affiliate thì có thể mở rộng ra thị trường quốc tế thông qua network này.

Private Affiliate Program

Một số công ty tự phát triển phần mềm hỗ trợ affiliate marketing riêng chỉ để phục vụ cho việc kết nối với Publisher để quảng bá sản phẩm của riêng họ, chương trình này gọi là Private Affiliate Program.

Private Affiliate Program thường sẽ chi trả hoa hồng cao hơn cho publisher vì họ không phải chi trả hoa hồng trung gian cho network, và sự hỗ trợ từ họ cũng nhanh và sâu sát hơn.

Ví dụ: ở Việt Nam có Ladipage, Ahachat, … Ở nước ngoài có Vultr, Envato, Hawkhost, …

Affiliate Link

Khi bạn đăng ký làm publisher cho một network hoặc trực tiếp cho một Private Affiliate Program, để tiến hành quảng bá sản phẩm nào đó, bạn sẽ được họ cấp cho một đường link duy nhất của riêng bạn. Link này được gọi là Affiliate Link. Nó có nhiệm vụ thu thập dữ liệu để xem nguồn data đến từ ai, từ đó sẽ ghi nhận cho Publisher tương ứng.

Khi khách hàng bấm vào affiliate link của bạn và thực hiện một trong các hành động: mua hàng, điền form, khảo sát, đăng ký, cài đặt ứng dụng, … thì bạn sẽ được tính hoa hồng.

Affiliate ID

Một số chương trình affiliate cho phép bạn tạo Affiliate ID. Khi bạn đăng ký thành công một tài khoản affiliate, bạn sẽ được cấp một dãy số ID (có thể là dãy số hoặc ký tự).

Với affiliate ID này, bạn có thể tạo ra affiliate link cho bất cứ sản phẩm nào trên trang của nhà cung cấp đó, bằng cách gắn mã ID vào cuối đường link dựa theo hướng dẫn của nhà cung cấp.

Việc này sẽ giúp bạn linh hoạt hơn trong việc hướng khách hàng đến với sản phẩm mà bạn đang quảng bá, tăng khả năng tiếp cận và tỉ lệ chuyển đổi.

Affiliate Manager

Những network lớn hoặc Advertiser sẽ có các chuyên viên riêng để hỗ trợ cho chương trình affiliate của họ, những người này được gọi là Affiliate Manager (viết tắt là AM).

Nhiệm vụ của AM là hỗ trợ publisher trong mọi vấn đề liên quan đến việc làm affiliate cho sản phẩm thuộc Advertiser đó. Ví dụ như: hỗ trợ về thông tin sản phẩm, vấn đề về thanh toán, bảo trì, cách chạy affiliate hiệu quả, các sản phẩm đang HOT, …

Tại Accesstrade, các AM thường xuyên đưa ra các bài hướng dẫn cũng như gợi ý về cách chạy các chiến dịch đang thịnh hành, để các publisher có thêm phương án chạy cho hiệu quả.

Cookie

Nếu bạn dùng google dịch thì từ Cookie sẽ có nghĩa Bánh quy.

Còn trong Affiliate Marketing thì Cookie là một tệp của chương trình affiliate tạo ra nhằm lưu các thông tin duyệt web của khách hàng. Tức mỗi khách hàng bấm vào link affiliate của bạn sẽ có một cookie riêng để lưu và theo dõi hành động này.

Cookie sẽ có thời gian “sống”, tức thời gian còn hiệu lực. Không phải khách bấm vào link là tạo ra một cookie và khách thoát là cookie đó mất. Mà cookie đó sẽ còn tồn tại tiếp 30 – 60 ngày tùy theo quy định của Affiliate Network hoặc Adversiter. Trong thời gian cookie còn hiệu lực, bất cứ hành động mua hàng nào phát sinh từ cookie đó đều được ghi nhận, tức là bạn sẽ được hoa hồng đó.

Có một điều chú ý là cookie sẽ bị ghi đè, tức là nếu khách hàng tên Minh vừa bấm vào link của người A để tham khảo sản phẩm, lát sau họ lại bấm vào link affiliate của người B để tham khảo sản phẩm khác trên cùng một website đó, vậy thì lúc này cookie của người B sẽ ghi đè lên người A, và nếu anh Minh kia mua hàng thì hoa hồng sẽ được tính cho người B.

Last Click & First Click

Dịch sang tiếng việt thì nó có nghĩa là Click cuối cùng và click đầu tiên.

Đây là cơ chế tính hoa hồng do Advertiser quy định. Bạn cần đọc kỹ điều này khi đăng ký chạy một chiến dịch mới.

Khi khách hàng nhấn vào affiliate link của publisher A đầu tiên nhưng chưa thực hiện hành động mua hàng. Sau một thời gian (vài ngày hoặc 1-2 tuần) họ lại được ai đó giới thiệu và click vào affiliate link của publisher B. Thì lúc này hoa hồng được tính cho:

  • Publisher A: First Click
  • Publisher B: Last Click

Để đảm bảo sự công bằng giữa các publisher, thông thường các chương trình affiliate hiện này đều ghi nhận cơ chế last click (click cuối cùng).

CPA (Cost Per Action)

Dịch sang tiếng việt, cụm từ ngày có nghĩa: Chi phí cho mỗi hành động.

Tức khi khách hàng mà bạn giới thiệu thông qua affiliate link của mình thực hiện thành công một hành động nào đó, ví dụ như mua hàng, điền form, đăng ký, cài đặt ứng dụng, hoàn thành khảo sát, … thì bạn sẽ nhận được hoa hồng tương ứng với giá trị của CPA mà Advertiser chấp nhận chi trả.

Tùy vào độ khó của hành động mà CPA có thể thấp hoặc cao. Ví dụ: khách chỉ cần điền form là được tính hoa hồng nó sẽ dễ hơn việc khách phải đăng ký mua một sản phẩm nào đó.

CPS, CPL, CPO, CPI

Ngoài cụm từ CPA mà bạn rất hay gặp thì CPS, CPL, CPO, CPI cũng là những cụm từ mà bạn cần ghi nhớ, vì bạn sẽ thường xuyên nhìn thấy nó trong quá trình làm affiliate marketing của mình, đặc biệt là thị trường nước ngoài.

Vậy CPS, CPL, CPO, CPI là gì, nó được ghi nhận ra sao ? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu từng cái nhé.

CPS ( Cost Per Sale) tức là chi phí cho mỗi hành động mua hàng. Nghĩa là khách hàng click vào link affiliate của bạn, sau đó khách phải thực hiện hành động mua hàng trong thời gian cookie còn hiệu lực và phải thanh toán thành công, sau đó được advertiser xác thực thì hoa hồng mới được tính cho bạn.

Bạn sẽ thường thấy hình thức này khi chạy các chiến dịch thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Adayroi, …

CPL (Cost Per Lead) là chương trình affiliate marketing mà advertiser hoặc network sẽ trả hoa hồng cho bạn khi khách hàng điền form thông tin cá nhân thông qua affiliate link của bạn.

Với các sản phẩm dịch vụ sẽ thường áp dụng hình thức CPL này, thông tin họ cần thường là Họ tên, Email, Số điện thoại, … Sau khi KH điền form và thông tin được kiểm chứng là hợp lệ thì bạn sẽ nhận được hoa hồng.

Bạn cũng có thể thấy từ CPQL (Cost Per Quality Lead), đây vẫn là hình thức CPL nhưng yêu cầu lead chất lượng hơn.

CPO (Cost Per Order) là hình thức tiếp thị liên kết mà bạn sẽ nhận được hoa hồng khi khách hàng hoàn tất đặt hàng và tổng đài gọi điện xác nhận thành công. Lúc này bạn sẽ nhận được hoa hồng thay vì phải chờ khách hàng nhận được hàng và thanh toán như CPS.

CPI (Cost Per Install) là chương trình tiếp thị liên kết mà bạn sẽ nhận được hoa hồng khi khách hàng cài đặt ứng dụng (app) thành công thông qua link giới thiệu của bạn. Hình thức này thường phổ biến ở nước ngoài hơn vì sự trung thực của khách, còn tại VN thì bị làm ảo (cheat) quá nhiều.

Earn Per Click (EPC)

Dịch sang tiếng việt nó có nghĩa là Số tiền kiếm được trên mỗi click. Đọc qua là bạn cũng phần nào hiểu được ý nghĩa của cụm từ này rồi đúng không nào.

Đây là thông số mà hầu hết các chương trình affiliate đều thống kê và hiển thị cho bạn thấy. Nó sẽ tính xem trung bình mỗi lượt click của khách hàng thì bạn kiếm được bao nhiêu tiền (có thể xem cho từng sản phẩm, từng chiến dịch hoặc toàn bộ quá trình làm affiliate marketing của bạn).

Commission

Đây là cụm từ mà các bạn sale thường thấy và rất mong muốn nó sớm về tài khoản của mình, nó chính là tiền hoa hồng đấy.

Commission là tiền mà bạn nhận được khi có khách hàng thực hiện hành động đúng quy định thông qua affiliate link của bạn. Hoa hồng có thể khác nhau theo từng chiến dịch, nó cũng có thể hiển thị ở dạng số tiền cụ thể hoặc phần trăm.

Với các sản phẩm số, hoa hồng bạn nhận được sẽ cao hơn rất nhiều so với sản phẩm vật lý. Ví dụ Namecheap đang trả hoa hồng cho bạn là 25% trên đơn hàng đặt mua thành công, trong khi đó shopee chỉ trả cho bạn khoảng 7% mà thôi. Sở dĩ có sự khác biệt nhiều như vậy vì sản phẩm số không tốn nhiều chi phí để làm ra sản phẩm, chủ yếu dựa vào trí tuệ. Họ cũng không mất nhiều chi quản lý, bán hàng, giao hàng, bảo hành, … nên phần lợi nhuận được trích cho nhà phân phối sẽ cao hơn.

Physical Product

Dịch ra tiếng việt thì cụm từ này có nghĩa là sản phẩm vật lý. Tức là những sản phẩm thật mà bạn có thể cầm, nắm, sờ mó nó được. Ví dụ như máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, tivi, điện thoại, mỹ phẩm, thảm tập yoga, …

Hoa hồng cho sản phẩm vật lý thường khá thấp, dao động từ 3 – 10%. Tuy nhiên sức mua của sản phẩm vật lý lại là rất lớn và có nhu cầu quanh năm, tức là bạn có thể bán hết sản phẩm này đến sản phẩm khác, hết mùa này đến mùa khác. Số lượng sẽ bù đắp phần hoa hồng thấp đó cho bạn. Chỉ cần chăm chỉ và đầu tư chất xám đúng mực, bạn cũng sẽ kiếm được số tiền không nhỏ từ việc quảng bá các sản phẩm vật lý này.

Digital Product

Tất nhiên, dịch sản tiếng việt thì nó có nghĩa là Sản phẩm số. Đây là những sản phẩm mà bạn không thể cầm, nắm, sờ mó nó được, nhưng có thể thao tác với nó thông qua một thiết bị hỗ trợ.

Ví dụ: khóa học online, phần mềm, ebook tiếng anh, gói hosting, … đều là những sản phẩm số. Bạn phải dùng máy tính để thao tác với nó.

Những sản phẩm này có tính chất là tạo ra một lần nhưng có thể bán N lần (vô số lần) cho nhiều khách hàng và không giới hạn bởi địa lý. Chính vì điều này nên hoa hồng trả cho sản phẩm số là rất cao, thường thì từ 25% – 30%, cũng có một số sản phẩm lên tới trên 50%, thậm chí là 100% cho đơn hàng đầu tiên.

Hai Affiliate Network nổi tiếng thế giới về tiếp thị liên kết sản phẩm số là ClickbankProduct Lauch. Khi bạn đã xây dựng được hệ thống tốt, bạn có thể nghĩ đến việc vươn ra biển lớn với 2 mạng tiếp thị liên kết này.

Promote Method

Tức là các hình thức quảng bá sản phẩm.

Có rất nhiều cách quảng bá sản phẩm khác nhau, tùy vào sản phẩm mà bạn lựa chọn hình thức quảng bá cho phù hợp.

Với những sản phẩm vật lý, hoa hồng không được cao thì bạn phải lựa chọn những hình thức quảng bá sản phẩm tốn ít chi phí như SEO, viết bài review trên blog, Profile, Group, …

Còn với những sản phẩm số, hoa hồng bạn nhận được khá cao, khi đó bạn có thể cân nhắc đến các hình thức quảng cáo có phí để tiếp cận được nhiều khách hàng trong thời gian ngắn hơn. Ví dụ chạy quảng cáo fb, google, …

Payment Method

Là phương thức thanh toán mà Advertiser hoặc Network sẽ thanh toán cho bạn.

Nếu bạn làm affiliate tại thị trường Việt Nam thì chỉ cần tài khoản ngân hàng là đủ. Còn với thị trường quốc tế, bạn sẽ cần tới tài khoản Payoneer hoặc Paypal. Đây cũng là 2 loại tài khoản phổ biến mà bất cứ ai làm MMO đều nên có.

Landing Page

Landing Page là trang đích bán hàng mà Advertiser tạo ra. Khi khách hàng nhấn vào affiliate link của bạn sẽ được điều hướng tới trang này để đặt hàng hoặc điền form thông tin.

Bạn có thể xem Series hướng dẫn tạo Landing Page không cần biết lập trình tại website này của mình. Thao tác dễ dàng chỉ việc kéo thả, giao diện tiếng việt dễ hiểu, chỉ cần chịu khó vọc vạch vài ngày là có thể tự làm Landing Page ngon lành.

Prelanding Page

Cũng có thể gọi tắt là Prelander.

Đây được xem là một trang đích, nhưng nó sẽ giúp tối ưu hóa thu nhập và tăng tỉ lệ chuyển đổi trước khi chuyển người dùng tới trang đích chính thức.

Prelanding page được xem là bước đệm để tạo dựng cầu nối giữa khách hàng mục tiêu với người bán hàng. Thay vì đổ traffic trực tiếp từ kênh quảng cáo vào landing page, người mua hàng chưa đủ lý do thuyết phục để ra quyết định mua hàng thì Prelander sẽ là công cụ hỗ trợ tốt nhất giúp thúc đẩy nhanh chóng quá trình mua hàng.

Các dạng Prelander phổ biến hiện nay là:

  • Câu chuyện thành công
  • Review/trải nghiệm thực thế
  • Chia sẻ kinh nghiệm chọn mua sản phẩm

Coupon & Custom Coupon

Coupon là mã giảm giá. Nhiều Advertiser cung cấp các mã giảm giá cho publisher để publisher thúc đẩy doanh số bán hàng cho họ.

Tùy vào từng chương trình affiliate, mã giảm giá có thể gắn với affiliate link của bạn, tức là bạn sẽ có thể tạo ra một đường link riêng biệt cho mã giảm giá này. Khi khách hàng nhấn vào affiliate link của bạn thì mã giảm giá đó tự động được chấp nhận và giá tiền sẽ tự động được giảm.

Cũng có thể mã giảm giá đó được tách riêng biệt, bằng cách cung cấp cho bạn một dãy ký tự. Khi khách hàng thanh toán, chỉ cần nhập dãy ký tự này vào thì sẽ được giảm số tiền tương ứng với mã đó.

Những Affiliate hàng đầu có thể được cung cấp mã giảm giá đặc biệt mà chỉ dành riêng cho affliate đó, mã này còn được gọi là custom coupon hay exclusive coupon. Nhờ có mã này mà khách hàng sẽ được hưởng mức ưu đãi tốt hơn so với các mã giảm giá phổ thông và tạo cho Affiliate một thương hiệu riêng cho sản phẩm đó.

Cloaking Link

Các đường link tiếp thị thường khá loằng ngoằng với một dãy ký tự đặc biệt và nhìn nó rất thiếu chuyên nghiệp, vì nó làm nhiệm vụ đối soát và đo lường hiệu quả chiến dịch.

Để có được đường link gắn gọn, chuyên nghiệp hơn, bạn nên sử dụng hình thức rút gọn link theo tên miền riêng của bạn. Cách thức này gọi là link cloaker.

Ví dụ: https://duydai.net/huongdanATbai1 là một link affiliate đã được cloaking lại với tên miền riêng của mình.

Một số chương trình affiliate lớn sẽ không cho phép bạn rút gọn link, vì để họ kiểm tra, đo lường được khách hàng đến từ trang nào. Vì vậy bạn cần đọc kỹ điều khoản quy định của mỗi Advertiser trước khi chạy chiến dịch tiếp thị của đơn vị đó.

Conversion Rate (CR)

Tỉ lệ chuyển đổi trên mỗi 100 khách hàng, được tính theo đơn vị phần trăm %.

Ví dụ có 100 người bấm vào link affiliate của bạn nhưng chỉ có 16 người hoàn thành hành động và mang lại hoa hồng cho bạn thì conversion rate là 16%.

Cost Per 1000 Impression (CPM)

CPM là chi phí quảng cáo cho mỗi 1000 lượt hiển thị.

Một số platform cho phép bạn đặt quảng cáo tính theo CPM, chỉ cần hiển thị quảng cáo đến người dùng là bạn đã bắt đầu kiếm được tiền. Bạn sẽ thấy quảng cáo dạng này tại các trang rút gọn link, dịch vụ get link, …

Advertising Network (Ads network)

Là công ty cung cấp mạng lưới quảng cáo, tức là bạn sẽ bỏ tiền ra chạy quảng cáo trên những mạng lưới này.

Hai Ads network lớn nhất thế giới và vô cùng quen thuộc với cả bạn và mình, đó là Google Ads và Facebook Ads.

Search Network

Là một hình thức quảng cáo tìm kiếm của các Ads network.

Ví dụ bạn lên Google gõ từ khóa  “adidas” sẽ hiện ra một loạt kết quả tìm kiếm, trong đó có 4 kết quả tìm kiếm trên cùng là nằm trong Search Network, tức là quảng cáo tìm kiếm có trả phí. Các kết quả này thường sẽ được làm nổi bật hơn so với các kết quả khác để tăng tỉ lệ nhấn vào quảng cáo nhiều hơn.

Display Network

Đây cũng là một hình thức quảng cáo của các Ads Network. Thay vì người dùng phải gõ từ khóa để tìm kiếm thì quảng cáo này hiển thị trực tiếp tới bạn mà không cần thực hiện bất cứ thao tác gõ từ khóa nào.

Hai Display Network phổ biến nhất đó là Facebook Ads và Google Display Network (CDN). Chắc chắn bạn sẽ bắt gặp 2 loại quảng cáo này hằng ngày khi lướt facebook, đọc báo hoặc xem video trên youtube.

Banner Ad hay còn gọi là web banner, là loại quảng cáo đặt một hình ảnh trên website. Hình thức quảng cáo này thường sẽ nhúng một đoạn mã vào website để hiển thị.

Mục đích của banner ad là để quảng cáo thương hiệu hoặc tận dụng nguồn traffic từ website để đưa người dùng tới trang đích bán hàng.

Paid traffic là hình thức sử dụng quảng cáo có trả phí để điều hướng khách hàng vào website hoặc landing page nào đó của bạn.

Những kênh paid traffic phổ biến và được nhiều ngườn tin cậy nhất hiện nay là: Google Ads, Facebook Ads và Native Ads.

Free traffic

Free traffic được hiểu đơn giản là traffic không tốn tiền, tức bạn sẽ kéo khách hàng tiềm năng tới những website / landing page của bạn thông qua hình thức miễn phí.

Công việc này rất tốn thời gian và cần làm lâu dài, tuy nhiên nó có khả năng mang lại thu nhập thụ động và bền vững hơn paid traffic.

Các hình thức free traffic phổ biến nhất bao gồm:

  • Xây dựng website và SEO top Google
  • Xây dưng kênh video và SEO top Youtube, Vimeo, …
  • Bán hàng trên Profile cá nhân
  • Bán hàng trên Fanpage hoặc Group
  • Bán hàng hàng thông qua blog cá nhân.

Bidding

Là thuật ngữ chỉ giá thầu cho quảng cáo. Giá bid được hiểu là số tiền tối đa mà bạn chấp nhận chi trả cho mỗi click hoặc 1000 lượt hiển thị quảng cáo.

Có 2 dạng bid phổ biến hiện nay là CPC (cost per click) và CPM (cost per impression).

SEO (Search Engine Optimization)

SEO dịch ra tiếng việt có nghĩ là Tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm. Tức là bạn phải tối ưu website của bạn cho phù hợp và thân thiện với cả người dùng lẫn công cụ tìm kiếm.

SEO là cả một quá trình dài hạn và bạn phải thực hiện mỗi ngày nếu muốn kiếm tiền lâu dài với Affiliate marketing.

Trước khi biết đến các thủ thuật liên quan đến việc tối ưu website, bạn cần học cách để tạo ra những nội dung có giá trị cho người dùng (tức viết content hay). “Content is King” vẫn luôn đúng trong mọi trường hợp nếu bạn biết phát huy khả năng viết content của mình.

Dù cho ngân sách marketing của bạn có lớn hay nhỏ thì bạn vẫn nên sử dụng SEO vì doanh thu affiliate marketing đến từ những lượt truy cập miễn phí từ Google là rất lớn.

Content Marketing

Là hình tức Marketing bằng nội dung. Bạn sử dụng các chiến thuật viết content hợp ký để tiếp cận khách hàng, từ đó tạo lòng tin và thuyết phục khách mua hàng.

Content marketing không chỉ gói gọn là những nội dung chữ, bài viết, mà đó còn là những nội dung cho các video viral, video câu chuyện… content sẽ giúp sản phẩm & thương hiệu truyền tải được thông điệp đến khách hàng.

Hosting

Để thiết kế được một website, bạn cần một nơi để lưu trữ dữ liệu. Hosting chính là một không gian để lưu trữ dữ liệu, bao gồm hình ảnh, nội dung, cơ sở dữ liệu mà bạn tạo ra trong quá trình thiết kế website.

Nếu bạn đang có ý định thiết kế website để làm Affiliate thì mình khuyên bạn nên sử dụng Hosting của Hawkhost vì giá rẻ và chất lượng rất tốt. Bạn có thể tham khảo bài hướng dẫn mua hosting Hawkhost tại đây.

Nếu bạn sử dụng Landing Page để chạy cho các chiến dịch tiếp thị của mình thì Ladipage là một lựa chọn không thể bỏ qua. Bạn cũng có thể xem Series hướng dẫn sử dụng Ladipage mà mình đã viết trên website này.

Domain

Là tên miền hay hiểu đơn giản là một địa chỉ đến trang website của bạn. Tên miền sẽ kết nối với hosting để khi người dùng truy cập, dữ liệu sẽ được load từ hosting để hiển thị cho người dùng xem.

Nếu để đưa ra lời khuyên chọn domain nào cho tốt thì mình cũng khuyên bạn luôn là sử dụng domain .com hoặc .net. Đây là 2 domain phổ biến nhất thế giới và mang lại sự uy tín và tin tưởng cho những khách hàng truy cập.

Hãy bảo vệ thương hiệu của mình bằng cách mua ngay những tên miền liên quan đến thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ mà mình đang xây dựng ngay hôm nay. Tên miền cũng giống như bộ mặt của bạn trên internet, nếu để nó lọt vào tay người khác, bạn có nguy cơ phải thay đổi cả chiến lược kinh doanh sản phẩm của mình đó.

—————

Trên đây Đại đã tổng hợp và giải thích cặn kẽ 34 thuật ngữ thường dùng trong Affiliate Marketing. Chắc chắn bạn cần đọc kỹ và ghi chú lại các thuật ngữ này vì bạn sẽ gặp nó thường xuyên trong quá trình làm Tiếp thị liên kết.

Nếu có câu hỏi hoặc đóng góp gì, hãy comment ý kiến của bạn ngay tại bài viết này nhé.

Theo dõi các bài hướng dẫn của mình về Affiliate tại: https://duydai.net/affiliate

Trân trọng,

Nguyễn Duy Đại

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here