Ai cũng muốn bài viết của mình nhanh được lên TOP tìm kiếm google nhưng làm sao để được lên TOP thì lại là cả một câu chuyện dài. Bài viết này tôi sẽ bật mí cho bạn một vài chiêu để bài viết của bạn nhanh được google biết đến và quá trình lên TOP sẽ được rút ngắn bớt đi.
Trong bài viết này, tôi sẽ tập trung vào định hình tư duy và cho bạn tên những công cụ cơ bản để bạn tìm hiểu và sử dụng, chứ tôi không hướng dẫn sử dụng công cụ trong bài viết này nha.
Nội dung tóm tắt
- 1. Viết bài thế nào là chuẩn và đủ tốt
- 2. Những chú ý khi đưa hình ảnh lên blog/website
- 3. Tiến hành khai báo blog/website của bạn với Google Console
- 4. Tiến hành submit bài viết lên Google Console để nhanh được index
- 5. Chia sẻ bài viết lên các trang mạng xã hội
- 6. Tiến hành đi backlink miễn phí tại một số blog, website, forum
- 7. Kết luận
1. Viết bài thế nào là chuẩn và đủ tốt
Bạn đã từng nghe cụm từ “Content is King” chưa ? Câu này có ý nghĩa là gì, có phải nội dung là yếu tố rất quan trọng quyết định thành công của bài viết đúng không nào.
Trước khi đi tới những bước kỹ thuật nào đó tiếp theo, công việc đầu tiên bạn phải làm là viết bài cho thật tốt, hấp dẫn và hữu ích với người dùng. Chỉ cần làm tốt bước đầu tiên này thì khả năng bài viết của bạn được lên TOP cũng đã cao hơn so với đối thủ rất nhiều rồi đó.
Nhưng làm sao để viết bài tốt lại là một câu chuyện không hề đơn giản, và lời khuyên của tôi dành cho bạn như sau:
+ Bài viết không được đi copy từ người khác: Bạn có thể đi tham khảo bài viết của người khác, nhưng phải viết lại theo cách hiểu và văn phong của mình, đừng copy của họ. Nếu bạn copy thì bạn đã đánh mất cơ hội lên TOP của mình rồi đó.
+ Độ dài bài viết đủ tốt: không thể một bài viết ngắn 200-300 từ mà lên TOP nhanh được. Theo kinh nghiệm của tôi, độ dài bài viết tối thiểu phải là 800 – 1000 từ, nếu có thể nên viết những bài từ 1500 từ trở lên. Và tất nhiên là do bạn viết nhé, đừng đi copy cho đủ ký tự, chẳng tốt chút nào đâu.
+ Bài viết phải hữu ích với người dùng: hữu ích nghĩa là sao ? Tức là họ đọc bài viết của bạn, họ phải giải quyết được vấn đề họ cần, chứ không chỉ là những lời giới thiệu bán hàng hay sử dụng dịch vụ. Ví dụ bạn có bài hướng dẫn cách làm món Cà pháo mắm nêm thì bạn phải hướng dẫn từ cách chọn cà, các nguyên liệu cần mua, loại mắm nêm làm kèm, cách sơ chế cà cho khỏi bị thâm đen, cách nêm các loại gia vị để cà thêm ngon, cách bảo quản, ăn kèm với món gì, sau cùng mới là giá bán và nơi bán tham khảo. Đảm bảo nếu bạn viết đủ các nội dung trên, không có lý do mà không hàng không thích và chia sẻ bài viết của bạn.
+ Bài viết phải chuẩn SEO: ngoài viết hay thì bạn cũng nên tìm hiểu cách viết cho chuẩn SEO. Trên Google cũng đã có rất nhiều bài hướng dẫn rồi, bạn tham khảo thêm nhé. Tuy nhiên với những người mới, tôi khuyên bạn hãy tập trung viết hay và hữu ích với người dùng trước đã, còn vấn đề chuẩn SEO thì sẽ từ từ học và cải thiện dần, không nên gò ép mình phải làm tốt bước này ở các bài viết đầu tiên. Nói chung đây là một yếu tố tôi khuyên thêm, làm được thì tốt chứ không bắt buộc.
+ Đừng để lỗi sai chính tả, gõ nhầm ký tự làm mất điểm trong mắt độc giả: Tôi rất hay có thói quen đọc lại bài viết của mình ít nhất 1 lần trước khi đăng lên blog hoặc website, đảm bảo rằng các lỗi chính tả/lỗi gõ nhầm ký tự ở mức thấp nhất có thể. Tôi không dám chắc chắn 100% các bài viết của tôi không bao giờ có lỗi chính tả hay gõ phím nhầm, nhưng tỉ lệ gõ lỗi ở các bài viết của tôi là cực thấp, không tin, bạn cứ thử đọc các bài viết của tôi để kiểm chứng. Bước này tuy nhỏ nhưng thể hiện sự tôn trọng người đọc và sự chuyên nghiệp của bạn. Vì thế hãy cố gắng dành ra 5 – 10 phút để soát lại câu chữ trước khi đăng lên nhé.
Đó là những điều mà tôi khuyên bạn cần làm khi viết bài mới. Đừng nghĩ nó rườm rà hay tốn thời gian mà bỏ qua, khi bài viết của bạn lên TOP, bạn sẽ thấy công sức mình bỏ ra là xứng đáng.
2. Những chú ý khi đưa hình ảnh lên blog/website
Hình ảnh mờ, quá to và quá nặng là những lỗi phổ biến thường gặp ở các bạn newbie. Bởi bạn chưa chú tâm vào vấn đề này hoặc cũng chưa biết cách để tối ưu hình ảnh sao cho vừa đẹp lại vừa nhẹ để website tải nhanh.
Nếu:
+ Hình quá mờ: người dùng sẽ đánh giá sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp của bạn
+ Hình quá to: rất nhiều hình kích cỡ lên 3000 – 4000px, đó là việc thừa không cần thiết vì đa số người dùng thường lướt web bằng di động, họ cần hình ảnh vừa đủ xem, không cần quá lớn. Trừ những web chuyên về hình ảnh mới cần ảnh kích thước lớn, còn không thì bạn để kích thước vừa đủ là ok rồi.
+ Hình quá nặng: Hình nặng khiến việc tải trang bị chậm, đặc biệt đối với người dùng 3G – 4G. Nếu họ phải đợi trang của bạn load lâu, họ có thể thoát giữa chừng mà không vào tiếp để đọc.
Lời khuyên của tôi dành cho bạn:
+ Phải xem kỹ hình ảnh trước khi đưa lên blog/website, đảm bảo hình ảnh hiển thị đủ đẹp, không bị tình trạng mờ, nhòe.
+ Kích thước ảnh không cần quá to, các kích thước phổ biến mà tôi hay dùng đó là: hình chữ nhật (1280x768px hoặc 1024x768px), hình vuông (800x800px hoặc 1000x1000px). Nếu hình của bạn lớn hơn kích thước này thì nên resize về kích thước đó để giảm dung lượng. Còn nhỏ hơn thì dùng luôn, khỏi điều chỉnh nha.
+ Ảnh quá nặng, hãy sử dụng website Image Compressor để nén ảnh, sau đó hãy đăng lên blog/website.
3. Tiến hành khai báo blog/website của bạn với Google Console
Việc khai báo blog/website với Google Search Console là rất cần thiết nhằm kiểm tra trạng thái lập chỉ mục và tối ưu hóa khả năng hiển thị của web.
Đồng thời Google Console cũng hiển thị cho bạn rất nhiều chỉ số hữu ích như số lần tìm kiếm, từ khóa người dùng tìm kiếm, trang đang được người dùng quan tâm, thiết bị đang được người dùng sử dụng để truy cập website của bạn, … những thông số này giúp bạn tối ưu các bài viết tiếp theo được tốt hơn.
Tôi đã có bài hướng dẫn đầy đủ về cách khai báo blog wordpress với google search console, bạn xem bài hướng dẫn chi tiết « Tại đây »
4. Tiến hành submit bài viết lên Google Console để nhanh được index
Hãy dùng tính năng Kiểm tra URL trong Google Search Console để kiểm tra bài viết đã được google lập chỉ mục hay chưa. Nếu chưa thì bạn có thể yêu cầu google lập chỉ mục sớm.
Đây là tính năng tôi rất hay sử dụng khi viết bài mới. Viết xong cái là tôi vào kiểm tra rồi yêu cầu google lập chỉ mục, hôm sau là bài viết của tôi xuất hiện trên google liền.
Xem phần 4 trong bài: Hướng dẫn khai báo blog wordpress với Google Search Console để biết cách submit bài viết lên Google nhé.
5. Chia sẻ bài viết lên các trang mạng xã hội
Hãy tập thói quen chia sẻ bài viết của bạn lên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Linkedin, Pinterest, … để lấy backlink từ mạng xã hội.
Nên chia sẻ bài viết của bạn lên trang cá nhân của bạn, hoặc nhóm do bạn quản lý, đừng spam comment nhé, chẳng tốt đâu.
Khi chia sẻ bài viết, bạn cần viết một đoạn nội dung khoảng 5 – 6 dòng, rồi đăng kèm link bài viết, chứ đừng chia sẻ mỗi cái link nha. Có thể kèm theo các hashtag (dấu # ở đầu) các từ khóa để tăng độ nhận diện cho bài viết.
6. Tiến hành đi backlink miễn phí tại một số blog, website, forum
Backlink là cần thiết để bài viết nhanh lên TOP, tuy nhiên bạn phải đi link đúng, đừng cố spam.
Đi link đúng ở đây tức là đi backlink tại những trang có nội dung liên quan. Tức là bài viết của bạn viết về sữa rửa mặt, mà bạn lại đi link tại trang về oto là không hợp lý. Link đó không được google đánh giá cao, và có thể một ngày nào đó bị google sờ gáy.
Việc đi backlink là việc làm thêm, tuy nhiên nó hơi tốn thời gian và những người mới sẽ hơi khó để thực hiện. Cá nhân tôi cũng không dành nhiều thời gian cho việc đi backlink mà tôi dành phần lớn thời gian để viết nội dung cho thật hay, hữu ích và chia sẻ bài viết lên mạng xã hội để bạn bè cùng đọc.
7. Kết luận
Ngoài 6 yếu tố mà tôi chia sẻ bên trên để bài viết nhanh được lên TOP thì còn rất nhiều kỹ thuật chuyên sâu khác nữa. Tuy nhiên đó là dành cho dân chuyên hoặc người muốn tìm hiểu sâu về các kỹ thuật SEO.
Chỉ cần bạn thực hiện tốt 6 điều tôi đưa ra là đã OK lắm rồi, sau khi làm tốt hãy đi học thêm một khóa SEO hoặc tự học online để tối ưu cho blog/website của mình.
Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy giúp tôi LIKE và Chia sẻ bài viết này tới nhiều người hơn. Hạnh phúc là sự cho đi, không phải là giữ lại.
Có khó khăn gì, cứ comment bên dưới để tôi hỗ trợ nhé.